Tuy hiện nay không nổi tiếng bằng gốm Bát Tràng, nhưng mỗi khi nhắc đến đồ gốm và nghệ thuật gốm ở miền Bắc Việt Nam, hầu hết những người trung niên đều nghĩ ngay đến làng gốm Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Người xưa cũng có câu “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh” để nói lên sự nổi tiếng của dòng gốm này. Hãy cùng DIVA Gốm Sứ về thăm làng gốm Hương Canh để hiểu thêm về lịch sử cũng như điểm đặc biệt của dòng gốm này nhé.
Tương truyền sau khi đánh bại “Quận Hẻo” Nguyễn Danh Phương, triều đình Lê – Trịnh đã phái quan Nội Hầu là Trịnh Xuân Biền về phủ dụ dân chúng. Đứng trước cảnh xóm làng xác xơ tiêu điều, nhiều gia đình đói khổ vì không kế sinh nhai, quan Nội Hầu đã giúp họ phục hồi sản xuất nông nghiệp và đem người đến dạy nghề gốm. Nhờ có nghề gốm, cuộc sống đi vào ổn định và khấm khá dần. Khi ông qua đời, dân làng lập miếu thờ, tôn ông làm sư tổ nghề gốm.
Do điều kiện thổ nhưỡng ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc chủ yếu là đất sét xanh nên các sản phẩm gốm làm ra có chất lượng vượt trội, chống được sự thẩm thấu, ngăn được ánh sáng và có khả năng giữ được bền hương vị của những thứ đựng bên trong, đặc biệt là các loại trà cụ được chế tác tại đây khi pha trà thì giữ được nhiệt độ rất lâu nên được rất nhiều người ưa chuộng.
Bên cạnh các loại trà cụ thì làng gốm Hương Canh chủ yếu sản xuất các loại vại, chum, lon, nồi, ấm… và tiểu sành. Gốm ở đây không phát triển không theo hướng đồ sứ mà theo hướng sành hoá. Theo thời gian, các sản phẩm gốm Hương Canh càng có kiểu dáng đẹp, đanh và không thấm nước, phục vụ được những nhu cầu sử dụng hàng ngày.
Trải qua nhiều năm, hiện nay Hương Canh chỉ còn vài gia đình còn giữ được nghề, trong đó có gia đình nghệ nhân Nguyễn Thanh ở thôn Lò Cang sản xuất và bán thường xuyên quanh năm. Những gia đình còn lại hầu như chỉ sản xuất và bán thời vụ một số sản phẩm truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh cũng đã kết hợp tài tình giữa nghệ thuật gốm truyền thống với phương tiện mới do ông tự chế như bể lọc đất, máy trộn khoắng đất, máy nghiền bi nước,… để tận dụng tối đa nguyên liệu dư thừa cũng như làm được những sản phẩm gốm mỹ nghệ cao cấp hơn.
Các sản phẩm gốm mỹ nghệ của gia đình ông Thanh được làm rất công phu từ khâu lọc đất 3 tầng, tạo hình, chuốt, phơi và đem nung. Quá trình nung gốm cũng đòi hỏi nghệ thuật và kinh nghiệm về nhiệt độ lò. Thường thì lò để nhiệt độ từ 1.200 độ C, lúc cần tạo độ bóng tự nhiên cho sản phẩm thì phải tăng nhiệt độ lò lên 1.350 độ C.
Điểm đặc biệt của gốm Hương Canh mà nhiều người ưa chuộng cho tới ngày này là mặc dù không dùng men, sơn nhưng các sản phẩm vẫn có màu, độ sáng rất đẹp, tự nhiên.
Theo Bưu Điện Việt Nam