Trà từ lâu đã là một loại thức uống truyền thống đối với các nước phương Đông điển hình như Trung Quốc, Nhật Bản, sau đó lan rộng đến các nước phương Tây như Anh, Pháp, Ý… Trà đi vào đời sống như một điều hiển nhiên và dần trở nên một hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới. Hãy cùng DIVA Gốm Sứ tìm hiểu thêm về một nền văn hóa thưởng trà đặc sắc – văn hóa trà đạo của xứ sở kim chi – Hàn Quốc.
Lịch sử phát triển và hình thành
Với hoạt động giao thương trên con đường tơ lụa từ Trung Quốc từ thời cổ đại, văn hóa thưởng trà đã lan rộng, phát triển và ngày nay đã trở thành một nghi lễ không thể thiếu trong văn hóa Hàn Quốc. Đối với người Hàn Quốc, hoạt động thưởng trà là để tìm kiếm sự thư giãn và hài hoà của Văn hoá xứ sở nhân sâm trong thời hiện đại. Yếu tố tạo nên điểm đặc sắc cho hoạt động văn hóa này là việc thưởng thức trà trong khuôn viên một buổi tiệc trà với bầu không khí thư thản và tự nhiên với các loại trà cụ quy định, một hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
Tư liệu lịch sử đầu tiên ghi chép một phong tục cúng trà dâng tổ tiên vào năm 661 cho nhà vua Suro, người sáng lập ra Đế chế Geumgwan Gaya (42 – 562). Sử sách Đời Nhà Goryeo (918 – 1392) còn ghi chép các vị hoà thượng tôn kính cử hành lễ dâng trà tại các chùa thờ Đức Phật. Thời Nhà vua Joseon (1392 – 1910) ở dòng họ nhà vua Yi và giới quan lại triều đình uống trà như một phong tục đơn giản gọi là “Ngày văn hoá trà” còn “Ngày trà truyền thống” được dành cho những trường hợp đặc biệt. Cuối đời Nhà Joseon người dân thường cũng cúng trà cho tổ tiên như người dân Trung Hoa.
Trà cụ
Ngoài việc tuỳ thuộc vào thời tiết bốn mùa trong năm chế tạo bằng gốm sứ và kim khí, trà cụ còn chịu ảnh hưởng của các truyền thống tôn giáo. Trà cụ phổ biến là gốm sứ đất nung chủ yếu tại các lò địa phương, còn gốm sứ quý như gốm sứ nhà vua có trang trí rồng là hiếm nhất. Bên cạnh đó, trà cụ còn được phân loại thành các dạng khác nhau tùy theo chất liệu tạo nên. Trà cụ được làm từ men ngọc thạch gọi là “punchong”, hay bằng đồng thau kim loại mỏng dùng cho nghi lễ cúng Phật; những loại sứ trắng nhất với trang trí mờ nhạt dành cho nghi lễ cúng Khổng tử, trà cụ bằng sứ thô màu do dùng cho các nghi lễ xá tội vong nhân hay xuất khẩu sang các khu vực khác gọi là “gohan chawan”.
Bộ trà cụ dùng trong thưởng trà của người Hàn Quốc (Ảnh: Internet)
Kiểu dáng mẫu mã gốm thay đổi theo tiến trình của lịch sử. Những thiết kế cổ từ thế kỷ XVI đến ngày nay vẫn còn bảo tồn để xuất khẩu sang Nhật Bản. Hai anh em Yi Sukkwang và Yi Kyong, hai trong số những nghệ nhân nổi tiểng trong nghề gốm sứ tại Hàn Quốc, đã truyền lại những mẫu mã truyền thống gia đình gọi là “phong cách gốm Hagi ” nổi tiếng.
Trà cụ mùa hè gồm những bát kiểu “katade” có miệng rộng để nước trà nóng mau nguội. Mùa thu và đông kiểu bát “irabo” giữ được nhiệt của nước trà vì phải uống nóng. Chất lượng trà cụ Hàn Quốc không căn cứ vào âm thanh gõ bát như Trung Hoa mà đánh giá theo mẫu mã đường nét và màu sắc.
Thiết kế của các loại trà cụ cũng vô cùng được coi trọng. Việc tráng men với nhiều màu sắc tùy thuộc theo ánh sáng và thời tiết các mùa trong năm, điều này giúp cho các bộ trà cụ mang nét đặc sắc, riêng biệt cho từng dịp sử dụng khác nhau. Đất sét trắng kết hợp cùng lớp men ngọc thạch rất được ưa chuộng bởi độ cầu kì, mỹ quan mà không kém phần sang trọng. Cách hình chạm khắc, và vẽ trang trí như tre, cây hồ đào bên bờ sông, da người, mắt hổ, quả đào, tuyết trắng,… cũng được áp dụng trong việc trang trí bề mặt của các bộ trà cụ. Kỹ thuật tạo hình này giúp gợi nên ký ức về mùa, thơ, phú hay những khoảnh khắc tĩnh lặng cho người thưởng trà mỗi khi sử dụng.
Cách thưởng thức trà
Vào buổi đầu sơ khai của nghệ thuật thưởng trà, cách thưởng thức trà chủ yếu của người Hàn Quốc là một sự gắn kết giản dị và tự nhiên chất phác với ít nghi lễ, ít độc đoán, tập trung chủ yếu vào yếu tố thư giãn và nhiều sáng tạo hơn trong cách thưởng thức nhiều loại trà, trà cụ và đàm thoại.
Dụng cụ đựng trà, thường lớn, bằng đất sét nặn rồi đưa lên bàn xoay, tráng men trong lò đốt bằng củi. Xúc trà bằng một thìa gỗ cán dài. Loại trà uống chủ yếu là trà xanh, loại búp nhỏ và đồng đều cả về kích thước, màu sắc. Nước dùng trong nghệ thuật thưởng trà là nước suối múc lên, đun bằng củi, đổ vào ấm pha trà rồi đem uống ngay. Người thưởng trà sẽ rót nước trà vào những chén trà tráng bằng nước của một chiếc ấm đun sôi sủi lăn tăn, như một biểu hiện nhiều may mắn cho buổi thưởng trà. Buổi tiệc trà thường được tổ chức vào những ngày long trọng như sinh nhật, ngày giỗ, ngày tưởng niệm.
Ngày nay, hoạt động thưởng trà Hàn Quốc đã có sự cách tân và thay đổi. Người Hàn Quốc thường ngồi xung quanh một chiếc bàn thấp và chủ trì của buổi thưởng trà sẽ ngồi một bên đun ước nóng để rửa sạch trà cụ, từ đầu đến cuối bữa tiệc. Trà cụ nếu không dùng đến được xếp trên bàn và được đậy bằng khăn vải. Bộ đồ trà gồm có nhiều ấm pha trà màu sắc phong phú và kiểu dáng đa dạng.
Khi nước nóng, khách và chủ bắt đầu trao đổi về thăm hỏi sức khoẻ gia đình của nhau. Chủ trì buổi tiệc trà mở đầu bằng đun nóng ấm nước để tráng ấm trà, chén tống, chén quân cho nóng, bỏ trà xanh vào ấm trà, rót nước nóng lên trà, để rửa bụi bậm rồi nhanh chóng đổ nước đi. Sau đó rót nước nóng vào chén tống chờ nguội bớt đến một nhiệt độ phù hợp với từng loại trà. Sau đó cho lượng nước trên vào ấm pha trà chờ ngấm 20 giây dến hai ba phút; sau đó đổ vào chén tống cho nước trà đồng đều; rồi chắt vào chén để uống. Khách chờ chủ nhà nâng chén trước rồi mới nâng chén của mình sau. Bữa tiệc trà tạo ra một bầu không khí thư giãn để chào đón khách mới hay bàn chuyện làm ăn kéo dài hàng tiếng đồng hồ.
Hoạt động thưởng trà với lịch sử phát triển dài lâu và cũng lắm công phu của người Hàn Quốc mang đến cho người mới lần đầu tiếp xúc một cảm giác khó tả. Sự an lành, bình tâm và thư giãn là những gì mà hoạt động này mang lại cho người thưởng thức. Mỗi một chung trà là một ốc đảo thanh tịnh cho lòng người bình yên giữa những bộn bề lo toan.
Vân Nguyễn (Tổng hợp từ Internet)