Nghệ thuật uống trà đã được người xưa truyền lưu và phát triển qua nhiều thế kỷ. Và những dụng cụ thưởng trà cũng dần dần được cải tiến để phù hợp với từng vùng văn hóa khác nhau trên thế giới. Trong bài viết này, hãy cùng DIVA Gốm Sứ tìm hiểu về lịch sử của những chén trà – một nét nhỏ nhưng cũng là một phần rất quan trọng trong nghệ thuật thưởng trà.
Chén trà có hình dạng rất phong phú nhưng được chia theo 4 loại để sử dụng theo từng mùa là: Xuân ẩm, Hạ ẩm, Thu ẩm và Đông ẩm. Trời lạnh sẽ dùng chén có miệng hẹp; còn khi trời nóng sẽ dùng chén có miệng rộng. Theo truyền thống phương Đông, chén trà không có quai cầm. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Vương Hồng Sển thì vào đời Khang Hy, để đáp ứng nhu cầu của thị trường châu Âu, các lò gốm Trung Hoa mới bắt đầu thêm thay cầm cho chén trà, được gọi là tách.
Hình dáng, kích thước và màu sắc của chén trà thay đổi theo từng thời kỳ
Theo ông Phạm Đình Hổ, sau thời Khang Hy (1662-1722), người ta bắt đầu sử dụng các chén trà có kích thước nhỏ vì thời đó trà Ô-long rất thịnh hành và người ta sẽ pha trà Ô-long trong ấm chu sa và lượng trà chiếm đến 1/3 dung tích của ấm nên phải dùng các chén nhỏ để uống.
Màu men của chén trà cũng có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật thưởng trà. Theo Lu Yu, vào thời nhà Đường, chén trà Yueh Chou được yêu thích nhất vì chén trà có màu ánh màu lục sẽ làm màu nước trà thêm khởi sắc. Điều này tương phản với chén trà từ các lò gốm khác, chén trà thường làm thay đổi màu sắc nguyên bản của nước trà như chén Hsing Chou thường làm nước trà có màu đỏ nhạt biến thành màu đỏ đậm; men vàng của chén Shou Chou thường làm nước trà màu đỏ thành màu nâu rỉ và men màu nâu của chén Hung Chou sẽ làm nước trà có ánh đen đậm. Tuy rất thích hợp để dùng các loại thanh trà và bạch trà, nhưng chén thủy tinh không được chuộng vì dễ nứt, dễ vỡ.
Bộ đồ trà Đông ẩm, kiểu Huế được vẽ phong cảnh sơn thủy, hiệu đề chữ Nhật – Đồ sứ ký kiểu thời vua Tự Đức triều nhà Nguyễn
Ở Việt Nam, một bộ trà cũng có số lượng chén khác nhau tùy vùng miền. Theo cụ Vương Hồng Sển, một bộ chén trà tại miền Bắc gồm có một chén tống và bốn chén quân, còn tại miền Trung, chỉ có một chén tống và ba chén quân, thành ngữ ‘Nhất tướng tam quân’ cũng xuất phát từ đây.
Bộ đồ trà Hạ ẩm, kiểu Bắc được vẽ phong cảnh sơn thủy, đề thơ chữ Hán – Đồ sứ ký kiểu thời vua Tự Đức triều nhà Nguyễn
Theo Stevenson & Guy thì vào thế kỷ 16, Việt Nam đã từng xuất cảng sang Nhật Bản rất nhiều kiểu chén trà khác nhau. Trong đó, Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật của dòng họ sứ quân Tokugawa vẫn bảo tồn một loại chén với tên gọi là ‘Beni Annam’. Và Nhật Bản cũng có một loại chén trà gọi là Ofuke có hình dạng tương tự với kiểu chén ‘Beni Annam’, điều này cho thấy nghệ thuật gốm sứ nước ta cũng có một ảnh hưởng sâu đậm của đến nghệ thuật gốm sứ Nhật Bản.
Chén ‘Beni Annam’, thế kỷ 16 (hình trái) và chén Ofuke, thế kỷ 17 (hình phải)
Theo Thưởng Trà