Khi nhắc đến thưởng trà người ta thường nghĩ ngay đến Trà đạo Nhật đặc sắc, công phu. Nhưng không phải ai cũng biết rằng Việt Nam ta cũng có một nền văn hóa uống trà, tuy không nâng lên thành “đạo” nhưng văn hóa này đã được lưu truyền qua các thế hệ và vẫn giữ được nét phong phú, độc đáo riêng. Dưới thời nhà Nguyễn (1802 – 1945), văn hóa trà bắt đầu được phát triển mạnh mẽ nhờ giới quý tộc, quan lại, văn sĩ rất ưa chuộng và còn coi đây một bộ môn nghệ thuật. Để thưởng thức hương vị trà ngon cần phải có bộ đồ trà xứng tầm thường phải có những vật dụng sau: hỏa lò, siêu đồng nấu nước, hũ sành đựng nước pha trà, hũ đựng trà, ấm trà và bộ đồ trà bằng sứ ký kiểu. Ngoài ra, họ còn sử dụng trầm hương, bánh mứt để cuộc thưởng trà thêm phần thi vị. Cùng DIVA Gốm Sứ tìm hiểu nghệ thuật thưởng trà của người xưa thông qua những bộ đồ trà.
Bộ đồ trà Xuân – Thu ẩm, kiểu Huế được vẽ trang trí cảnh sơn thủy, hiệu đề chữ Nhật. Đồ sứ ký kiểu đời Minh Mạng
Với những dụng cụ như hỏa lò, siêu đồng, hũ đựng trà trong nước sản xuất được, nhưng với bộ ấm chén trà thường là đồ sứ, ký kiểu do nước ngoài chế tác. Thời Minh Mạng (1820 – 1841), nhà vua đặt làm những bộ đồ trà bằng gốm ở lò Copeland & Garrett thuộc Công ty Spode tại Liverpool, sau đó đưa về Việt Nam vẽ thêm các kiểu hoa văn, rồi ghi dòng lạc khoản chữ Hán: “Minh Mạng … niên tăng họa”. Thời Thiệu Trị (1841 – 1847) thì đặt lò sứ Sèvres ở Paris (Pháp) làm những bộ đồ trà bằng sứ trắng với hoa văn thảo mộc vẽ vàng, có đề dòng lạc khoản chữ Hán màu đen: Thiệu Trị nguyên niên phụng chế. Hiện nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế vẫn còn trưng bày những cổ vật này.
Bộ đồ trà Xuân – Thu ẩm, kiểu Huế, vẽ trang trí phong cảnh, hiệu đề chữ Nhật. Đồ sứ ký kiểu đời Minh Mạng
Tuy nhiên, thời Nguyễn, những bộ đồ trà ký kiểu Trung Hoa vẫn phong phú và ấn tượng nhất. Triều đình thường cho các họa sĩ ở Họa tượng cục thuộc Nội vụ phủ vẽ kiểu dáng và mẫu hoa văn của bộ trà trên giấy, rồi gửi sứ bộ sang Trung Hoa đặt làm bộ chén dĩa trà tại các lò ở Cảnh Đức Trấn theo mẫu, sau đó sang huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô để tìm mua những chiếc ấm trà bằng đất nung. Một bộ đồ trà thời Nguyễn thường có các món như: tống, tốt, dầm, bàn. Trong đó Tống (tướng) – chiếc chén lớn chứa nước trà rót ra từ ấm, đợi cặn lóng mới rót sang chén tốt. Chén Tốt (quân) – chén nhỏ để uống trà. Dầm là chiếc dĩa lót chén tống. Bàn là chiếc dĩa dựng các chén tốt.
Bộ đồ trà Xuân ẩm, kiểu Bắc, vẽ phong cảnh sơn thủy, đề thơ chữ Hán. Đồ sứ ký kiểu đời vuaTự Đức
Người Huế thường uống trà ba người (trà tam, tửu tứ), nên bộ đồ trà sứ người Huế dùng thường có năm món gồm: ba chén tốt, một chén tống và một dĩa bàn, không có dĩa dầm vì chén tống sẽ được úp chồng lên một chén tốt trên dĩa bàn. Trong khi bộ đồ trà sứ ký kiểu người Bắc thường dùng gồm bảy món: bốn chén tốt, một chén tống, một dĩa bàn và một dĩa dầm. Trong mỗi bộ đồ trà, chén tốt và chén tống có dáng kiểu giống nhau nhưng kích thước thì khác nhau, dĩa bàn và dĩa dầm cũng tương tự nhưng bốn món này đều có cùng kiểu thức và hoa văn trang trí.
Bộ đồ trà Đông ẩm, kiểu Huế, được vẽ trang trí phong cảnh sơn thủy, hiệu đề chữ Nhật. Đồ sứ ký kiểu đời Tự Đức
Tùy mùa trong năm mà dùng bộ đồ trà thích hợp. Mùa xuân dùng Xuân ẩm, mùa thu dùng Thu ẩm, mùa hạ dùng Hạ ẩm, mùa đông dùng Đông ẩm. Chén Xuân – Thu ẩm có miệng đứng, thành cao vừa phải, độ dày trung bình; chén Hạ ẩm có miệng loe rộng, thành thấp, xương sứ mỏng giúp nước nhanh nguội; chén đông ẩm có miệng kín, thành cao, sâu lòng, xương sứ dày giúp giữ nhiệt lâu hơn. Ấm trà thì thường dùng loại bằng đất sét của các hiệu lò nổi tiếng như: Thế Ðức, Mạnh Thần, Lưu Bội…
Khi uống trà, người xưa không chỉ thưởng thức hương vị trà mà còn lưu tâm đến nét đẹp nghệ thuật của các loại hình, dáng kiểu, họa tiết trang trí trên đồ trà từ những nét bút tài hoa trên ấm chén, bình phẩm thơ văn hay nghiền ngẫm “chuyện xưa, tích cũ” lưu dấu trên đồ trà. Do đó, mỗi bộ đồ trà sứ ký kiểu có thể xem như là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, những cổ vật quý mà bất kỳ người sưu tầm cổ vật nào cũng muốn sở hữu được.
Tổng hợp từ Internet