Ngoài những món ăn được chế biến cầu kỳ thì với người dân ở xứ Phù Tang, cơm vẫn là thực phẩm chính dùng trong những bữa ăn hàng ngày. Và có lẽ cùng vì hạt cơm có màu trắng bình dị nhưng lại rất thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng mà người Nhật ưa chuộng loại thực phẩm này đến mức thường dùng cơm kèm với những món ăn khác rất đơn giản như trứng sống, mơ muối, rong biển khô,… để có thể thưởng thức hạt ngọc trời một cách tự nhiên và thuần túy nhất! Hãy cùng DIVA Gốm Sứ khám phá những “người bạn thân thiết” của cơm trong nền ẩm thực Nhật Bản nhé!
Nama-tamago (Trứng sống)
Nama-tamago hay còn gọi là “trứng sống” có cách chế biến rất đơn giản, trứng được để trong bát, cho thêm một ít nước tương rồi đánh đều tay cho hòa quyện. Người Nhật thường dùng món này với cơm (gọi là cơm Tamago-kake Gohan – Cơm trộn trứng) theo cách: Lấy một bát cơm nóng, dùng đũa khoét một lỗ nhỏ ở giữa bát, rót trứng vào giữa, trộn đều là có thể thưởng thức.
Ngoài cách ăn phổ biến nêu trên, món này cũng có những cách khác để thưởng thức tùy theo sở thích và thói quen của người ăn. Có người tách lòng trắng khỏi lòng đỏ, trộn cơm với lòng trắng và đặt lòng đỏ lên cùng rồi ăn, cũng có người thích thêm rong biển khô, hành lá, khô cá bào hay phô mai,… để tăng thêm hương vị.
Umeboshi (Mơ muối)
Umeboshi (mơ muối) được chế biến bằng cách sử dụng các quả mơ chín được thu hoạch vào khoảng tháng 6, rửa sạch, ngâm muối rồi phơi nắng tháng 7 trong 3 ngày. Mơ muối có vị chua chua mặn mặn đặc trưng rất thơm ngon và thường có màu vàng, những quả có màu đỏ là do được ngâm với lá tía tô.
Với hương vị dễ ăn cũng như tính tiện dụng, Umeboshi giữ một vị trí quan trọng trong nền văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Người Nhật thường dùng mơ muối làm nhân cho cơm nắm Onigiri, ăn với cơm trắng hay cho vào rượu hoặc nhâm nhi trong món trà chiều.
Nori (Rong biển khô)
Món rong biển khô mỏng giòn, thấm đượm hương biển cả này là một trong những thực phẩm đặc trưng và được sử dụng trong nhiều món ăn của nền ẩm thực xứ Phù Tang. Người Nhật hay dùng Nori để bọc cơm nắm, cuộn sushi, cắt sợi làm topping cho những món mì, cho đến ăn kèm cơm hay chiên giòn, lắc với gia vị để làm bim bim ăn vặt. Nori được xem là loại thực phẩm lành mạnh vì nó giàu khoáng chất, chất xơ và vitamin.
Ikura (Trứng cá hồi)
Trứng cá hồi có vị mằn mặn, beo béo và màu cam đỏ bóng bẩy cũng là một món thường được dùng chung với cơm ở Nhật Bản. Ngoài hương vị ngon miệng, món ăn này còn sở hữu một lượng lớn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ.
Furikake (Gia vị rắc cơm)
Furikake là tên gọi của một loại bột gia vị dùng trực tiếp với cơm nóng với nhiều mùi vị đa dạng và có thể được chế biến từ rong biển khô, mè, cá hồi, trứng,… Furikake có thể dễ dàng tìm thấy tại các cửa hàng tiện lợi ở Nhật dưới dạng gói to chỉ có một hương vị và gói tổng hợp có nhiều túi nhỏ với nhiều vị, mỗi túi vừa đủ dùng cho một bát cơm.
Người Nhật thường dùng Furikake rắc lên cơm trắng sau đó chan thêm nước trà thành món Ochazuke, hoặc trộn thành nắm cơm Onigiri,… Đây là một món ăn được giới văn phòng rất yêu thích cũng như thường được sử dụng trong các buổi dã ngoại bởi tính tiện lợi.
Natto (Đậu tương lên men)
Natto là món ăn chế biến từ đậu tương luộc chín sau đó lên men bằng cách ủ trong rơm rạ. Mặc dù có hình thức không mấy ngon mắt, mùi huong lại hơi nồng khiến khá nhiều du khách e ngại khi được mời thưởng thức nhưng món ăn bình dân này lại có vị rất ngon khi dùng với cơm trắng và cũng cực kỳ tốt cho tim mạch. Nhiều gia đình ở xứ Phù Tang hiện nay vẫn chọn Natto làm bữa ăn sáng tiện lợi và giàu dinh dưỡng này.
Vân Nguyễn (Theo Kilala)