Những điều cấm kỵ khi dùng bữa ở các mỗi quốc gia không chỉ là phép lịch sự thông thường mà còn thể hiện giá trị văn hóa ẩm thực và đôi khi là cả niềm tin tâm linh. Hiểu được những điều này sẽ giúp bạn dễ dàng hòa nhập khi đi du lịch hoặc khi dùng bữa cùng bạn bè, đối tác người nước ngoài, cùng DIVA Gốm Sứ tìm hiểu nhé.
1. Quy tắc ở hầu hết các quốc gia châu Á
Một trong những điều cấm kỵ ở hầu hết mọi quốc gia ở Châu Á trong ăn uống chính là cắm đũa thẳng đứng lên bát cơm hoặc bát mì, bởi họ quan niệm rằng chiếc đũa cắm thẳng trông giống như cách họ thờ cúng người chết. Và nếu cắm đũa như vậy, mọi người sẽ cho rằng điều xấu sẽ xảy ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thiếu tôn trọng chủ nhà hoặc những người lớn tuổi trên bàn ăn.
2. Philippines
Philippines là một trong những quốc gia hiếm khi sử dụng đũa trong các bữa ăn. Vì thế, nếu có cơ hội được đến đây và thưởng thức món ăn của họ, bạn hãy tế nhị và đừng hỏi xin đôi đũa nhé.
3. Trung Quốc
Người Trung Quốc, tương tự như người Nhật và người Hàn, cũng có khá nhiều các điều cấm kỵ khi dùng bữa, điển hình là:
– Không được phép dùng đũa gõ xuống bàn hoặc gõ vào bát hay đập 2 chiếc đũa vào với nhau bởi theo họ, hành động đó chỉ dành cho những vô gia cư đi xin ăn.
– Khi đi ăn Dimsum, nếu ai đó rót cho bạn một chén trà, khi đó, bạn hãy nhớ để ba ngón tay trên bàn thay cho lời nói cảm ơn.
– Không đổ nước tương vào cơm chiên vì trước đó đầu bếp cho đã lượng vừa đủ rồi.
– Khi gắp một món ăn nào đó, bạn nên để vào bát rồi mới cho vào miệng để thưởng thức.
– Khi ăn cá nguyên con, cho dù bạn đã ăn hết một phần cá cũng không nên lật phần còn lại lại bởi nó trông giống như cảnh tượng lật thuyền.
4. Hàn Quốc
Khi dùng bữa cùng người Hàn Quốc, bạn đừng bao giờ nhận món ăn hay nước uống từ người khác bằng một tay mà hãy sử dụng hai tay, hoặc đặt bàn tay trái của bạn dưới cổ tay phải để giữ phép lịch sự.
5. Nhật Bản
Tại Nhật Bản, sau khi gọi món, mọi người sẽ đợi tất cả món ăn được dọn ra bàn mới ăn và thường bắt đầu từ câu “itadakimasu” nghĩa là “mời mọi người”. Nếu muốn ăn trước trong khi đồ ăn người khác chưa dọn ra xong, bạn cần nói “osaki ni itadakimasu” – “cho phép tôi ăn trước nhé” để tỏ lòng lịch sự.
Khi ăn món được dọn trong bát nhỏ, bạn nên nâng bát lên gần miệng để gắp thức ăn. Với những món đặt trên dĩa lớn để mọi người dùng chung, bạn nên dùng dũa riêng để gắp món ăn. Bạn không nên chừa lại chút đồ ăn thừa nào cũng như tạo ra tiếng động, xì mũi khi ăn (trừ món mì) vì người Nhật đã nghiên cứu cẩn thận để mỗi suất ăn vừa đủ cho mọi người và thường ăn hết đồ ăn đã dọn ra.
Sau khi dùng bữa xong, người Nhật sẽ xếp bát đũa theo trật tự ban đầu đã dọn ra, úp các nắp lên bát, đặt đũa lên thanh gác hoặc giấy bao. Để thể hiện sự trân trọng với người đầu bếp và cả những nguyên liệu làm nên món ăn, người Nhật sẽ kết thúc bữa ăn bằng câu “gochisōsama deshita” nghĩa là “cảm ơn vì bữa ăn”.
Nếu có uống rượu, bạn nên đợi mọi người có đồ uống hết và cùng nâng cốc chúc mừng. Khi uống rượu, bạn chú ý rót cho người khác hơn là tự rót cho mình và rót thêm cho người cùng uống nếu cốc cạn. Khi có ai đề nghị rót cho bạn, bạn nên uống vài hớp trước khi đưa cốc cho người đó rót.
Khi ăn Nigiri (một loại sushi được làm bằng gạo và cá tươi), bạn hãy ăn nó trong một lần, hạn chế cắn nhỏ thành nhiều miếng cũng như bạn đừng nhúng phần cơm vào nước sốt đậu nành vì nó có thể làm thay đổi hương vị của món ăn.
Mì ramen đã được các đầu bếp chế biến một cách hoàn hảo, các bạn đừng tự ý thêm bớt bất cứ nguyên liệu gì.
6. Trung Đông, Ấn Độ và một số nước châu Phi
Tại Trung Đông, Ấn Độ và một số nước châu Phi, du khách không được sử dụng tay trái khi dùng bữa. Thậm chí, việc chạm tay trái vào bàn ăn cũng là điều kiêng kỵ. Vì ở những nước này, tay trái được dùng vào các việc làm vệ sinh nên họ quan niệm tay trái thường bẩn.
7. Nga
Một trong những điều kiêng kỵ thú vị khi dùng bữa ở Nga là không dùng chung cốc uống nước để đảm bảo vệ sinh tuyệt đối. Nhưng nếu có một người Nga đưa cho bạn đồ uống của họ, có nghĩa họ rất tin tưởng và yêu mến bạn
8. Chile
Khi dùng bữa ở Chile, du khách bắt buộc phải dùng dao và nĩa, ngay cả với món ăn vặt như khoai tây chiên.
9. Pháp
Người dân Pháp thường ăn bánh mỳ kèm với pho mát vào giữa hoặc cuối bữa ăn. Tuyệt đối cấm kỵ dùng bánh mỳ như một món khai vị trước bữa ăn ở Pháp.
10. Anh
Việc chọn thức ăn ngẫu nhiên trên bàn tiệc ở nước Anh là điều bất lịch sự. Vì thế bạn phải luôn luôn chọn đồ bên tay trái trước vì đó là truyền thống của người Anh khi dùng bữa.
Theo Đại Kỷ Nguyên