Nghề chơi cũng lắm công phu: Dụng cụ uống trà

Tất nhiên “nghề chơi” ở đây mang ý nghĩa chơi chim, chơi đồ cổ, chơi tem… chứ không phải là nghề chơi bậy bạ. Một trong cái thú chơi tao nhã, truyền thống của nhiều quốc gia châu Á là thú uống trà. Có quốc gia nâng mức uống trà lên thành trà đạo mà chúng ta đã biết như Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam cũng đâu có kém cạnh. Bàn về uống trà thì phải nói về trà cụ, một lĩnh vực mà không phải ai cũng biết tường tận. Adiva.com sẽ tổng hợp và giới thiệu với các bạn về dụng cụ uống trà và sự khác biệt về trà cụ ở các nước Đông Á.

Khái quát về các dụng cụ uống trà

Theo tác phẩm Trà kinh của Lục Vũ (733-804) đời Đường (618-907), Trung quốc thì vào thời đó người ta dùng nồi để nấu nước và pha trà uống luôn trong bát (“oản” tiếng Hán và “chén” theo tiếng Việt miền Nam). Trà dùng lúc đó là trà bánh hoặc trà bột. Đến thời nhà Tống (920-1280) người ta sử dụng một loại bát nông gọi là “trản” và trà dùng ngoài trà bánh, trà bột còn có trà lá khô rời như ngày nay. Phải đến thời nhà Minh người ta mới bắt đầu chế tạo và sử dụng ấm để hãm trà và uống bằng chén nhỏ.

Ấm trà thời nhà Minh (1368-1644) gắn liền với những địa danh nổi tiếng sản xuất ấm trong đó có Nghi Hưng chuyên sản xuất ấm đất. Ấm đất ở Nghi Hưng thời Minh có nhiều hình dáng và cỡ to nhỏ khác nhau đến nay vẫn là mẫu mực cho những ấm đất hiện đại. Cũng vào thời kỳ này ở Châu Âu trà cũng bắt đầu được du nhập và được nhiều người ưa chuộng.

Theo một số tư liệu, lấy ý tưởng từ các ấm đất uống trà của Trung Quốc và hình dáng của các ấm uống cà phê hiện có, ở châu Âu người ta cũng đã sáng tạo những mẫu mã ấm trà có hình dáng đặc trưng bằng sành, sứ, thủy tinh. Chén dùng uống trà được chuộng ở Trung Quốc lại là chén sứ đặc biệt là sứ Cảnh Đức Trấn. Sứ trắng làm nổi màu của nước trà. Khác với Trung Quốc uống trà bằng chén nhỏ không quai, ở châu Âu người ta lại dùng tách tức là chén có quai để uống và dùng kèm đĩa nhỏ để lót tách. Đến đầu đời Thanh, người ta còn chế tạo ra chung tức là một loại chén có nắp vừa dùng để hãm trà vừa để uống trà. Từ đó đến nay các trà cụ được sản xuất với nhiều hình dáng mới.

pha-tra3

(Chung trà có nắp – Hình chỉ có tính chất minh họa)

Nói tới ấm trà mà không nhắc qua tới những dụng cụ phụ thuộc thì kể cũng thiếu. Cùng với ấm, người uống trà phải có chén, chén tống chén quân theo kiểu Việt Nam hoặc một ấm chuyên theo kiểu Tàu. Có những loại chén kiểu làm bằng đất tử sa nhưng cũng có những chén sứ mỏng gọi là sứ vỏ trứng. Tùy ý thích, mỗi người có một cách chọn màu, chọn kiểu. Hiện nay người ta cũng chế ra nhiều kiểu chén lạ mắt, có khi trông như một ống trúc, có khi hình củ lạc (đậu phộng). Ngoài ra phải có đĩa đựng, cũng xinh xinh nho nhỏ cho hợp với chén uống trà. Ấm màu nào thì người ta chọn chén và đĩa cũng màu đó. Thế nhưng thường thì chén chỉ có những màu thông dụng như màu nâu đậm, màu đỏ hay màu vàng chứ không thấy mà xanh hay màu đen. Ngoài ra còn phải có bình chuyên trà, bồn đựng bã trà và chứa nước tráng ấm, thuyền trà (cái chậu nhỏ để ấm và hứng nước trong ấm trào ra), đĩa lớn để ly, kén cho đủ một bộ tiệp màu đã khó huống hồ nếu nhiều ấm, nhiều màu, nhiều kiểu.

Người kỹ hơn còn mua cả hộp đựng trà cũng bằng đất nung và ống đựng những vật dụng linh tinh như cóng xúc trà (giống như một cái thìa bằng gỗ hay một ống tre vát một đầu để lường trà trước khi đổ vào ấm), đồ móc bã trà (gọt bằng gỗ hay tre), tăm thông vòi, cái kẹp chén (để gắp chén khi tráng nước sôi hầu vệ sinh và không phỏng tay), khăn lau … Kiếm được cái khay trà vừa vặn cho mỗi bộ cũng không phải dễ dàng.

Dĩ nhiên không thể thiếu cái ấm nấu nước pha trà bằng kim loại, bằng sứ hay ấm điện. Cũng nên có một cái bình thủy để chứa nước nóng mặc dù nhiều người kỹ không chịu dùng nước bình thủy mà dùng bình tự hâm nóng. Cầu kỳ hơn thì mua cả nhiệt kế và”timer” để hãm trà cho thật chuẩn. Người khó tính lại còn cho rằng phải bếp than mới ngon. Thế nhưng nếu máy móc quá như thế thì còn gì là thú uống trà.

Sự khác biệt về trà cụ ở một số nước Đông Á

Nhìn chung thì dụng cụ uống trà bao gồm ấm chén hoặc tách như đã nêu nhưng cụ thể ở từng địa phương từng nước có những khác biệt.

Nhật Bản

Ở Nhật ngoài cách uống trà bằng chén trong các buổi trà lễ (chanoyu) dùng trà bột (matcha), trong đời sống người ta cũng dùng ấm chén để uống trà lá (sencha). Tuy nhiên cũng thống nhất với văn hóa Nhật Bản chung là chuộng số lẻ, số chén trà trong một bộ đồ trà (teaset) của Nhật dùng 5 chén thay vì 4 chén, 6 chén như ở Việt Nam. Ngoài ra ở Nhật còn sử dụng phổ biến loại ấm trà có tay cầm vuông góc với miệng bình. Đúng hơn đây chính là hình ảnh của “siêu” nấu thuốc đã tồn tại từ trước thời Minh rất lâu ở Trung Quốc.

Chén trà trong trà đạo Nhật Bản còn độc đáo ở chỗ: Chén được làm bằng men, công phu, tỉ mỉ và mỗi chén có những họa tiết độc đáo riêng. Vì thế mà trong khi làm một buổi tiệc trà, không có hai chén trà giống nhau. Các nghệ nhân làm chén cũng đưa chủ đề thiên nhiên, thời tiết vào trong tác phẩm của mình, vậy nên có thể dùng chén phù hợp cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.

Mùa xuân: Chén có những hoa văn mùa xuân như hoa anh đào.

Mùa hạ: Là mùa nóng nên chén trà có độ cao thấp hơn, miệng rộng hơn chén trà mùa xuân để dễ thoát hơi nóng.

Mùa thu: Chén có hình dạng giống chén mùa xuân, có hoa văn đặc trưng cho mùa thu như lá phong, lá momizi.

Mùa đông: Là mùa lạnh nên chén có độ dày và cao hơn các chén mùa khác để giữ nóng lâu hơn. Màu sắc của men cũng mang gam màu lạnh.

Như vậy, chúng ta thấy người Nhật Bản coi trọng trà đạo và trong đó cũng quy định rất nghiêm ngặt về các trà cụ, đặc biệt là chén trà cũng thấm đẫm tinh thần Nhật Bản: Dùng chén (gốm sứ) của Nhật sản xuất.

pha-tra4

(Hình chỉ có tính chất minh họa)

Hàn Quốc

Một nét đặc trưng trong phong cách thưởng trà Korean là còn ở trà cụ. Mỗi vật dụng để pha trà, thưởng trà cũng góp phần quyết định đến trà phong (phong cách uống trà). Tùy thuộc từng mùa trong năm mà nghệ nhân trà dùng các chất liệu trà cụ khác nhau. Trà cụ mùa hè gồm những bát kiểu “katade” có miệng rộng để nước trà nóng mau nguội. Mùa thu và đông kiểu bát “irabo” giữ được nhiệt của nước trà vì phải uống nóng. Chất liệu chủ yếu của  các trà  cụ  là  gốm sứ và kim loại với cáckiểu dáng đơn giản nhưng thanh thoát, phản ánh sự gắn kết hoà thuận với thiên nhiên. Nổi bật là những trà cụ làm bằng gốm tráng men mà đến nay người ta vẫn ưa dùng tạo thành một phong cách – phong cách gốm Hagi.

Khác với Trung Hoa đánh giá chất lượng trà cụ bằng âm thanh gõ chén, bát thì tiêu chí đánh giá của trà cụ Korean lại phụ thuộc vào mẫu mã, đường nét màu sắc, cảm xúc của người nghệ nhân. Ngày nay “mốt mới” của tiệc trà Korea là ngồi xung quanh một chiếc bàn thấp. Chủ nhà ngồi một bên đun nước nóng để rửa sạch trà cụ, từ đầu đến cuối bữa tiệc. Trà cụ nếu không dùng đến được xếp trên bàn suốt năm đậy bằng khăn vải. Bộ đồ trà gồm có nhiều ấm pha trà màu sắc phong phú và kiểu dáng đa dạng. Trên bộ đồ trà có các loại chén như chén tống, chén quân. Chén tống dùng để rót trà ra cho đều, chén quân bé hơn dùng để uống trà.

Người Hàn Quốc thường đựng trà trong những hũ trà làm bằng đất sét nặn và phải được tráng men trong lò đốt bằng củi.

Ở Trung Quốc ngoài ấm để hãm trà người ta còn sử dụng một loại dụng cụ chuyên trung gian gọi là “trà hải”, hình dáng hơi giống như bình đựng sữa của phương Tây nhưng với kích thước nhỏ hơn, mục đích để dừng thời gian hãm trà khi lượng nước trà trong ấm không thể rót hết ra chén hoặc để lược xác trà trước khi rót vào chén. Ở Việt Nam xưa thay vì dùng trà hải này người ta dùng một chén to thể tích chứa được nước của cả ấm gọi là chén tống (nói trại ra từ chữ tướng) để phân biệt với các chén nhỏ gọi là chén quân. Ở Trung Quốc và Việt Nam xưa không dùng đĩa lót chén nhưng có dùng một đĩa sâu to hơn gọi là “trà thuyền” để chứa nước nóng ngâm ấm, chén cho nóng. Có thuyền riêng cho ấm và thuyền riêng cho chén tống, thuyền riêng cho 4 chén quân. Ngày nay để lịch sự hơn ở Trung Quốc người ta cũng dùng đĩa lót chén khi mời khách.

Theo phong cách pha trà Kungfu của Trung Quốc, ngoài chén nhỏ hình chiếc bát nhỏ còn có loại chén nhỏ hình trụ cao. Người ta rót trà vào chén này sau đó chuyên qua chén nhỏ thấp và dùng chén hình trụ này để ngửi mùi thơm của trà. Chén hình trụ cao có diện tích thành chén lớn và miệng nhỏ nên hương tập trung hơn. Đĩa dùng lót chén là loại hình viên thuốc con nhộng lót chung cho cả 2 chén.

Bài viết liên quan

Gốm Đông Triều – Những nét đẹp văn hóa xứ than

Những loại đất nguyên liệu làm ấm Tử Sa

Sơ lược về gốm sứ Trung Quốc