Luận về “Trà tam tửu tứ”

Đối với những người có đam mê sưu tầm đồ gốm sứ xưa, việc có được bộ chén uống trà xưa với 4 chiếc cùng một dĩa dầm còn lành lặn là một niềm vui không nhỏ. Nhưng thực tế, rất hiếm có những bộ trà cụ quý hiếm có niên đại từ xa xưa mà trọn vẹn như vậy, thậm chí có người chỉ sở hữu 1, 2 chén mà không có dĩa cũng thấy tự hào, giữ gìn kỹ như báu vật, chỉ khi có bạn đồng điệu đến nhà chơi mới đem ra cùng nhau thưởng ngoạn. Bên cạnh đó, cũng có những người khá khó tính, tuy đã làm chủ 3 chiếc chén quy nhưng vẫn cảm thấy thiếu sót, bất an, phải nhất nhất tìm cho bằng được chiếc chén thứ tư, cho đến khi dành nhiều thời gian và công sức mà vẫn chưa tìm được thì lại đành tự an ủi mình: “Thôi kệ. Trà tam tửu tứ mà!”

083312_traviet

“Trà tam tửu tứ” là 4 chữ được giới sưu tầm đồ sứ xưa nhắc tới rất nhiều, để bào chữa cho bộ chén trà bị khuyết một chiếc. Đi tìm căn nguyên cho “cái sự” trà tam tửu tứ, thật khó ai có thể phủ nhận lối giải thích: “Uống trà không nên quá 3 người, mới thưởng thức hết cái thú vị của nó. Còn uống rượu phải từ 4 người trở lên mới vui, mới náo nhiệt”.

Thử gõ cụm từ “trà tam tửu tứ” bằng tiếng Hoa trên Google hay các trang mạng tiếng Hoa hầu như đều không có kết quả cụ thể. Chỉ thấy một đoạn ngắn có câu “trà tam, tửu tứ, thích đà nhị” được những người làm hướng dẫn viên du lịch ở thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) giải thích với khách là “uống trà nên 3 người, uống rượu 4 người, đi du lịch 2 người thì cuộc vui mới hoàn hảo”. Dẫn giải như thế để thấy rằng, bốn chữ “trà tam tửu tứ” không phải có xuất xứ từ Trung Hoa như nhiều người vẫn nghĩ, càng không phải thành ngữ điển tích gì liên quan đến gốm sứ, mà bốn chữ “trà tam tửu tứ” là của các cụ nhà nho người Việt, và nó có liên quan một chút với “trà dư tửu hậu”, tức là những câu chuyện “nghe qua rồi bỏ”.

Câu “trà tam tửu tứ” cũng có thể hiểu đại loại như “tụm năm tụm ba”, vì với người Việt cũng như người Hoa, thường con số 3 và số 4 khi ghép đứng gần nhau đều không được trọng thị. Ví dụ như khi nói “ba điều bốn chuyện” có nghĩa toàn chuyện đâu đâu… Tương tự như vậy, tiếng Quảng Đông có một câu tạm dịch là “nói ba nói bốn”, nghĩa là nói giỡn chơi, nói đùa.

Vì những lẽ đó, các lò gốm sứ ở Cảnh Đức trấn chắc hẳn rằng không có tiêu chuẩn sản xuất bộ đồ trà nào chỉ có 3 chén, vì có một điều nên biết là người Trung Hoa vốn kỵ số lẻ, không đủ đôi đủ cặp. Bên cạnh đó, theo những sách về đồ sứ cổ Trung Hoa thì cũng chỉ thấy có những bộ đồ trà có 4 chén, 8 chén, 12 chén hoặc nhiều hơn, nhưng đều là số chẵn.

2222

Bộ chén uống trà gồm 12 chiếc, tương ứng với 12 tháng, là sản phẩm cung đình đời Khang Hy

Hy vọng với vài thông tin trên đây, bạn đã có thể hiểu được ý nghĩa đằng sau của câu “trà tam tửu tứ” mà mọi người thường hay nói.

Theo Cổ vật tinh hoa (Nguồn: Songmoc)

Bài viết liên quan

Gốm Đông Triều – Những nét đẹp văn hóa xứ than

Những loại đất nguyên liệu làm ấm Tử Sa

Sơ lược về gốm sứ Trung Quốc