Trong nghệ thuật Trà đạo Nhật Bản, ngoài các nghi thức chuẩn mực, trà thất đậm chất vô thường của vạn vật thế gian thì các vật trang trí cũng rất được chú trọng, có thể nhắc đến Kakejiku – một tấm vải trơn có màu nhạt treo trên vách tường tokonoma, được sử dụng để gắn những bức tranh nhỏ, những bức thư pháp hoặc thư họa và những lọ hoa được cắm theo phong cách Chabana. Hoa trong Trà đạo thường được ứng dụng để nhấn mạnh về sự vô thường, biến hóa của thế gian. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng DIVA Gốm Sứ tìm hiểu về hoa – vẻ đẹp thiên nhiên trong Trà đạo Nhật Bản.
Chabana là một cách cắm hoa đơn giản mà tinh tế trong Trà Đạo, có nguồn gốc từ việc nghi thức hóa Ikebana. “Cha”, theo nghĩa đen, là “trà” và “bana”, biến âm của từ hana, có nghĩa là “hoa”. Những lọ hoa Chabana thường khá đơn giản nhưng ẩn chứa bên trong là cả một nghệ thuật từ đôi tay, trí óc và sự kỳ công của các nghệ nhân. Từng bông hoa, từng chiếc lá đều được họ tuyển chọn kỹ lưỡng, thận trọng sao cho khi kết hợp với nhau, chúng sẽ trở nên một tổng hòa nghệ thuật.
Không có bất cứ quy tắc nào là chuẩn mực cho chabana – nghệ thuật cắm hoa trong trà đạo. Thông thường, hoa được cắm trong một chiếc lọ mộc mạc với phong cách thay đổi theo mùa. Lọ hoa có thể được làm từ bất kỳ chất liệu nào, từ gốm tráng men hoặc không tráng men, cho đến đồng, tre, thuỷ tinh và các vật liệu khác.
Sau khi trình bày đúng theo phong cách theo từng mùa, theo không gian trà thất, trà sư sẽ mang hoa đặt vào nơi danh dự trong phòng khách Nhật Bản. Thông thường, người ta sẽ không bày biện bất cứ vật gì khác bên cạnh để khỏi làm giảm hiệu quả của hoa, một số người cũng có thể treo thêm một bức tranh nhỏ hoặc một chữ thư pháp, một câu đối bên trên bức Kakejiku. Hoa ngự ở nơi ấy như đấng quân vương, mọi khách khứa, môn đồ của trà sư, khi bước vào phòng đều phải cúi đầu chào hoa trước khi chào gia chủ.
Tất cả các tác phẩm hoa trong phòng khách ở xứ Phù Tang đều tuân thủ một cách bày biện tổng thể. Các loài hoa lòe loẹt dứt khoát không được đưa vào chabana. Nguyên lý cắm hoa cũng phải đảm bảo sự hòa hợp của ba yếu tố ưu Thiên, Địa, Nhân. Mọi cách sắp đặt hoa không theo ba yếu tố trên đều bị coi là khô cằn, thiếu sinh khí. Thưởng ngoạn hoa trong Trà đạo cũng được các trà sư nâng lên thành một nghệ thuật với mục tiêu thiết yếu là tạo mối liên quan mật thiết giữa thiên nhiên, con người và cuộc sống.
Thử hình dung khi bạn bước chân vào trà thật vào những ngày cuối đông, và thấy một cành sơn đào mảnh mai hé nở giao hòa với một đóa trà mi ngậm nụ, bạn sẽ như nghe thấy nhịp gõ thời gian, sự hòa hợp của đất trời ẩn trong vẻ đẹp của chiếc bình hoa giản dị, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế.
Tổng hợp từ Internet