Kiến diêu 建窯 là tên gọi của dòng gốm sứ cổ xuất hiện vào khoảng thời nhà Đường, và được chế tác ở lò gốm thuộc phủ Kiến Ninh, Kiến An, nay thuộc trấn Thủy Cát, Kiến Dương, Phúc Kiến, Trung Quốc. Đặc điểm của gốm Kiến diêu là xương gốm mỏng, sắc men chủ yếu là đen, đôi khi điểm vàng hay loang hình hạt trai, giọt nước. Do có những nét đặc trưng độc đáo nên đến thời Tống – Nguyên, dòng gốm Kiến diêu đã đạt đến mức cực thịnh.
Cũng từ thời Tống, lò Kiến diêu lại tiếp tục nổi danh với các loại chén trà men lông thỏ (thỏ hào trản). Các nhà sưu tập hay định danh dòng gốm này theo cách gọi của người Nhật là gốm tenmoku (Thiên mục). Thiên Mục là tên một ngọn núi ở ranh giới Chiết Giang và An Huy, Trung Quốc. Những ghi chép sớm nhất về gốm Thiên mục là của tăng sĩ Nhật Bản Onkei Soyu (1286 – 1344), vốn tu học tại núi Thiên Mục, Trung Quốc, vào khoảng năm 1335. Từ khoảng thế kỷ 13, gốm Kiến diêu cũng bắt đầu du nhập vào xứ Phù Tang theo chân giới tăng sĩ. Ngoài dạng men lông thỏ, gốm Kiến diêu còn có những sản phẩm “Diêu biến” (hiện tại các bảo tàng Nhật Bản chỉ lưu giữ được tổng cộng 4 hiện vật, trong đó 3 món được xem như bảo vật) và men hình giọt dầu loang “Du tích”.
Hiện nay, bảo tàng Cố cung Đài Loan cũng có lưu giữ một số hiện vật gốm Kiến diêu. Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân thời nay cũng đã nỗ lực để tái hiện dòng men gốm này và trên thị trường hiện lưu hành rất nhiều sản phẩm gốm phỏng chế, cả kiểu men Lông thỏ, Diêu biến và Du tích.
Dưới đây là một số hình ảnh của vài món Kiến diêu hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng quốc gia Tokyo – Nhật Bản
Theo Nguyễn Hà – Thế Giới Đồ Cổ