Độc đáo nghề gốm Thanh Hà đất Quảng

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, làng gốm Thanh Hà tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam với lịch sử hình thành và phát triển lâu dài đến nay vẫn giữ được vẻ trầm mặc, rêu phong vốn có. Hơn 500 năm qua, nhờ đôi tay điêu luyện của rất các nghệ nhân trong làng, nghề gốm ở đây vẫn giữ được vẻ mộc mạc nhưng không kém phần độc đáo, mang đậm hồn quê đất Quảng.

1

Giữa cái nắng khá gay gắt của miền Trung, hai bên con đường dẫn vào làng gốm Thanh Hà vẫn không hề thưa bóng những sản phẩm gốm đang được phơi. Đi tới đâu cũng thấy người nhào đất, nung gốm. Đó cũng là một trong những nét đặc trưng của làng nghề, đã và đang thu hút rất nhiều khách tham quan.

2

3

Ông Lê Văn Xê (59 tuổi), một trong những người thợ gốm có kinh nghiệm lâu năm cho biết: “Nghề làm gốm là của cha ông để lại từ bao đời nay rồi. Tôi làm nghề cũng hơn 40 năm và chỉ duy nhất 1 nghề gốm để làm kế sinh nhai và nuôi con ăn học”.

Theo ông Xê, nguyên liệu chủ yếu để làm gốm ở Thanh Hà chính là đất sét được mua từ sông Thu Bồn với giá 750 ngàn đồng/ khối đất. Sau đó, người thợ gốm phải nhặt những chất phế thải ra khỏi đất rồi thực hiện công đoạn trộn, xéo, nề, ủ đất cho đến khi đất nhuyễn mịn rồi mới tiến hành tạo hình sản phẩm.

“Sản phẩm đẹp hay xấu phải dựa vào kinh nghiệm và óc sáng tạo khéo léo của người thợ. Từ khâu làm đất, tạo hình cho đến nung, hoàn thiện sản phẩm… bắt buộc người thợ phải tỉ mỉ trong từng công đoạn. Mỗi ngày, bình quân lò nung của tôi với 6 nhân công làm việc liên tục, xuất khoảng 300 sản phẩm cung ứng cho thị trường”. – Ông Xê chia sẻ.

5

Mỗi sản phẩm gốm sau khi tạo hình phải để cho se lại, sờ tay vào không thấy dính thì mới mang ra ngoài trời phơi khô, sau đó mang đi nung. Những lò nung phải được thiết kế thật khéo để các sản phẩm không bị đè ép mà vẫn tiết kiệm được diện tích. Tùy vào kích thước, số lượng sản phẩm và công suất lò mà một lô sản phẩm sẽ được nung từ một đến vài ba ngày.

6

Bà Bùi Thị Thời (61 tuổi) – một trong những thợ lành nghề tại làng gốm Thanh Hà cho hay: “Vì không có vốn mở lò nung nên tôi đi làm thuê cho các lò gốm trong làng để kiếm sống. Thù lao mỗi ngày khoảng 100 ngàn. Sản phẩm ở Thanh Hà chủ yếu là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như tò hoe, chậu cảnh… mang nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú. Bên cạnh đó, làng gốm cũng sản xuất theo lựa chọn của khách du lịch và cung ứng cho thị trường khắp nơi”.

8

Trải qua hơn 500 năm sóng gió, lúc suy, lúc thịnh, cũng có lúc làng gốm Thanh Hà tưởng như đã vùi sâu vào dĩ vãng nhưng với tâm huyết của những nghệ nhân với mong muốn duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, hiện nay, thương hiệu gốm Thanh Hà đang dần được phục hồi và có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam cũng như thế giới.

Tháng 12/2014, nghề gốm và làng nghề Thanh Hà đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là nghề và làng nghề truyền thống. Nơi đây cũng là một địa điểm thu hút khách du lịch tại Quảng Nam.

10

Theo Dân Việt

Bài viết liên quan

Gốm Đông Triều – Những nét đẹp văn hóa xứ than

Những loại đất nguyên liệu làm ấm Tử Sa

Sơ lược về gốm sứ Trung Quốc