Đi tìm gốm tiến vua ở Bát Tràng

Đến thăm làng gốm Bát Tràng, hỏi thăm nhà bà Vũ Thị Uyên không ai là không biết vì bà là truyền nhân đời thứ 5 của nghệ nhân Phạm Văn Ẩm – người làm gốm cống phẩm cho triều đình những năm nửa đầu thế kỷ XX. Bà Uyên hiện tại cũng là người gìn giữ những cổ vật gốm tiến vua rất quý giá lưu lại từ thời ông cha.

7-2-1

Ngôi nhà cổ bà Uyên trông như một bảo tàng nhỏ rất cổ kính và được bố trí rất khoa học. Những vật phẩm gốm cổ được truyền lại từ thời cha ông được chủ nhà gìn giữ cẩn thận trong tủ kính. Bên ngoài ngôi nhà còn có không gian chế tác – nơi làm ra các sản phẩm gốm cổ, gồm có lò nung, bàn xoay hay nơi lọc đất sau khi nhập về.

Bà Uyên cho biết, cố nghệ nhân Phạm Văn Ẩm từ bé đã rất đam mê với nghề gốm và tỏ ra là một người có năng khiếu. Ông không ngừng học hỏi, rèn luyện từ cha và những nghệ nhân trong làng. Năm 1943, ông tham gia đấu xảo ở Đông Dương và đạt được giải nhất, từ đó tên tuổi của ông được rất nhiều người biết đến. Vì thế mà vua và các quan lại trong triều rất muốn sở hữu những sản phẩm gốm tinh xảo được ông chế tác để làm đồ trang trí.

Các kỷ vật của cố nghệ nhân Phạm Văn Ẩm trong không gian bảo tàng của gia đình là các tác phẩm do chính tay cố nghệ nhân làm bằng phương pháp thủ công. Một trong những tác phẩm độc đáo được làm để tiến vua bà Uyên còn lưu giữ là chiếc lư gốm.

8-1-1 (1)

Mặt trước của chiếc lư có hoa văn nổi hình rồng tinh tế, thể hiện được uy quyền của bậc đế vương. Mặt sau là hình ảnh cây cối, hoa, lá biểu tượng cho quang cảnh cuộc sống của làng quê, mang đậm dấu ấn nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Điểm nhấn của chiếc lư là hai chiếc quai được chế tác theo hình rết khá lạ mắt và ấn tượng. Phía dưới mỗi chân còn là hình của những con “nghê” – một linh vật của đất nước. Hiện nay, một chiếc lư vẫn còn được lưu giữ trong cung đình Huế, chiếc còn lại được bà Uyên gìn giữ như một bảo vật gia truyền.

Ngoài ra, trong nhà bà Uyên cũng còn lưu giữ rất nhiều các tác phẩm gốm nghệ thuật của cố nghệ nhân Phạm Văn Ẩm như: bát, chén, đĩa… được làm rất tinh xảo để cung cấp cho hoàng cung và quan lại trong triều.

Không gian chế tác bên ngoài ngôi nhà là nơi cố nghệ nhân đã từng tạo ra những tác phẩm. Đó là nơi lọc đất để làm gốm sau khi đất được chuyển từ các mỏ Hải Dương, Quảng Ninh qua con đường sông Cái về làng. Nơi đây giờ chỉ còn là một sân lát gạch ngổn ngang những đồ dùng làm gốm cũ kỹ và những mảnh gốm xếp chồng chéo lên nhau.

11-9

Khi được hỏi làm sao bà có thể bảo quản những tác phẩm gốm tiến vua cũng như các kỷ vật của nghệ nhân Phạm Văn Ẩm, bà cho biết với tâm nguyện và lòng hiếu nghĩa, bà muốn gìn giữ, bảo tồn những giá trị của ông cha để lại, lưu truyền cho các thế hệ đời sau biết.

Hiện nay, ngôi nhà bảo tàng này được bà Uyên trông coi rất cẩn thận, đây cũng là nơi con cháu dòng họ về quây quần, tụ họp, cũng như mở cửa tiếp khách du lịch tham quan. Bà Uyên cho biết việc bảo tồn các cổ vật cũng gặp nhiều khó khăn do con cháu bà giờ học hành thành đạt với công việc khác, số ít thì làm nghề kinh doanh gốm chứ không nối nghiệp của cha ông.

Theo Infonet

Bài viết liên quan

Gốm Đông Triều – Những nét đẹp văn hóa xứ than

Những loại đất nguyên liệu làm ấm Tử Sa

Sơ lược về gốm sứ Trung Quốc