Bánh Wagashi trong Trà đạo Nhật Bản

Trà đạo là nét văn hóa truyền thống đã xuất hiện từ rất lâu đời của Nhật Bản mà DIVA Gốm Sứ đã có dịp chia sẻ rất nhiều với những ai yêu thích khám phá nền văn hóa – ẩm thực truyền thống của xứ Phù Tang. Trong nội dung bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu rõ nét hơn về Wagashi – món bánh ngọt không thể thiếu trong việc thưởng thức Mạt Trà (Matcha).

Nguồn gốc của Wagashi

Wagashi xuất hiện ở Nhật vào thời Yayoi (300 TCN – 300) như một món ăn dùng để tế thần và đến thời Edo (1603 – 1867), loại bánh này mới được phát triển thành một nghệ thuật ẩm thực. Sau đó, đến thời Minh Trị (1868 – 1912), chính sách ngoại giao mở cửa đã giới thiệu wasaghi đến với phương Tây. Kể từ đó, món bánh này đã được thế giới nhìn nhận như một trong những đại diện tiêu biểu cho ẩm thực Nhật Bản.

Ngày nay, những chiếc bánh đầy màu sắc và đa dạng về hình dáng này được sử dụng rộng rãi như món tráng miệng kích thích vị giác sau khi thưởng trà cũng như được dùng như quà biếu trong các dịp trọng đại tại Nhật Bản.

Sự kết hợp giữa Matcha và Wagashi

Matcha được phân loại thành 2 loại: Koicha (trà đậm) và Usucha (trà nhạt). Hương vị khác nhau tùy theo từng loại trà nên bánh Wagashi kết hợp cùng cũng không giống nhau. Dưới đây là 2 loại bánh Wagashi chính dùng chung với từng loại trà.

10577092_261964507326059_3107540657911257971_n

Koicha và Omogashi

Koicha hay còn gọi là trà đặc, có màu đậm và hương vị rất nồng. Koicha rất khó pha và đòi hỏi người pha trà phải có kỹ thuật đáng kể. Trước khi thưởng thức Koicha, người Nhật sẽ dùng bánh Omogashi – còn gọi là bánh tươi (hay bánh ẩm), thường làm từ các loại đậu nghiền nhuyễn, tạo hình rất cầu kỳ, bắt mắt thể hiện thiên nhiên phong cảnh bốn mùa hay các sự kiện, lễ hội trong năm. Omogashi cũng được đặt những cái tên rất hay như: “mưa mùa hạ”, “tuyết trái mùa”, “dòng sông anh đào”… nghe thật nên thơ.

Koicha và Omogashi

Một chiếc bánh Omogashi có tạo hình như bông hoa anh đào (Ảnh: Takeo Kunishima/Flickr)

Usucha và Higashi

Usucha, còn gọi là trà loãng, có đặc trưng là mịn mượt, dễ uống và nhiều bọt khí li ti trên bề mặt. Dùng kết hợp với Usucha là các bánh Higashi làm từ các loại bột gạo, bột mì, bột đậu nành (rang chín, xay mịn) trộn với loại đường Wasabon hảo hạng siêu mịn và một chút nước, một chút mạch nha và cho vào khuôn ép. Higashi còn gọi là bánh khô vì có độ ẩm < 10%. Các loại bánh quy tuy không phải wagashi nhưng có độ ẩm < 10% nên người Nhật vẫn thường gọi là higashi và ở nhiều buổi tiệc trà người ta vẫn dùng bánh quy thay cho wagashi. Tương tự như Omogashi, Higashi cũng có màu sắc và tạo hình đầy nghệ thuật.

Usucha và Higashi

Một loại Higashi có tạo hình độc đáo (Ảnh: Nullumayulife/Flickr)

Phép tắc về Wagashi (Trường phái Urasenke)

Tương tự như thưởng trà, Wagashi cũng có những phép tắc và dụng cụ dành riêng để thưởng thức.

Các dụng cụ Wagashi

Kaishi: giấy Washi dùng để lót bánh, lau đũa,…

Kuromoji: vật dụng trông như chiếc tăm, được làm từ gỗ cây Kuromoji (một loài thực vật thuộc họ Nguyệt Quế)

Dụng cụ

Kaishi và Kuromoji (Ảnh: hyuga/PIXTA)

Hộp Kaishiki: dùng để đựng Wagashi và rất đa dạng hình dáng như Jubako – hộp gỗ sơn mài hình vuông, Kashibachi hình dáng như cái bát, Higashiki dùng để đặt bánh Higashi,…

Hộp đựng bánh Kashiki

Hộp đựng bánh Kashiki (Ảnh: PIXTA)

Cách thưởng thức Wagashi

Khi nào thì dùng bánh?

Bánh Wagashi được thết đãi trước khi thưởng trà từ lâu đã trở thành một quy tắc trong Trà đạo Nhật Bản. Sau khi người chủ trì Teishu cất tiếng mời “Mời dùng bánh”, khách sẽ dùng tay giữ tờ giấy Kaishi có bánh bên trên và thưởng thức.

Dùng bánh như thế nào?

Với Namagashi, người ta sẽ dùng Kuromoji cắt bánh thành miếng vừa ăn rồi ăn. Với Higashi và những loại bánh khó cắt, có thể cầm bánh bằng tay. Đối với những loại Higashi lớn, để vụn bánh không rơi vãi, hãy dùng tay bẻ bánh thành miếng nhỏ vừa ăn rồi dùng từ từ.

Cách thưởng thức bánh

Thưởng thức bánh Wagashi (Ảnh: match04/PIXTA)

Sau khi dùng bánh thì thế nào?

Thông thường người Nhật sẽ vừa tận hưởng dư vị của bánh, vừa thưởng thức trà. Trà khi hòa quyện cùng với Wagashi sẽ có mùi thơm đặc trưng rất ấn tượng. Thêm một điểm cần ghi nhớ là nếu bạn không dùng hết bánh, hãy gói phần còn lại bằng giấy Kaishi và mang về vì mỗi chiếc bánh Wagashi được xem là tấm chân tình của gia chủ dành cho vị khách của mình. Ngoài ra, giấy Kaishi và Kuromoji đã sử dụng cũng nên mang về.

Theo Mayu Senda/ kilala.vn

Bài viết liên quan

Gốm Đông Triều – Những nét đẹp văn hóa xứ than

Những loại đất nguyên liệu làm ấm Tử Sa

Sơ lược về gốm sứ Trung Quốc