Tuy không phải là một trong những quốc gia có nền ẩm thực nổi tiếng Châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,… nhưng ẩm thực Malaysia cũng mang những nét đặc trưng rất riêng với những món ăn hấp dẫn, độc đáo. Hãy cùng DIVA Gốm Sứ khám phá 10 món ăn trưa đặc trưng của đất nước này nhé.
Satay celup (Lẩu)
Satay celup là một loại lẩu nhúng nổi tiếng của Malaysia và còn có tên gọi khác Lok lok. Điểm đặc biệt của món lẩu này chính là thức khách sẽ tự tay nhúng các món ăn như sò huyết, trứng chim cút, váng đậu chiên, thịt viên, bóng cá, tôm,… đã được xiên que sẵn vào trong nồi nước dùng sốt đậu nóng và sau đó cho ra đĩa để thưởng thức.
Rojak (salad)
Rojak là tên gọi của món salad mặn ngọt độc đáo. Một đĩa Rojak thường bao gồm trái cây, rau thái nhỏ, có thể cho thêm giá đổ, đậu hũ chiên, sau đó rưới đẫm nước sốt tôm và rắc thêm đậu phộng rang xay nhỏ. Món Rojak ở Penang còn được cho thêm mực chiên, ổi, mật ong. Hương vị của Rojak là sự hòa quyện tinh tế của đường, nước cốt chanh, ớt cay, mặn của mắm tôm và vị chua ngọt của trái cây, rau,… Tuy nhiên, Rojak có vị chua nhiều hơn ngọt.
Mee siam (mì Thái)
Tuy được gọi nôm na là “mì Thái” nhưng Mee siam thực chất không có xuất xứ từ Thái Lan mà là do món ăn này có cách chế biến tương tự Mee Kati ở Thái. Mee siam được sáng tạo bởi một người Peranakan gồm bún gạo sợi mỏng sốt me, hỗn hợp gia vị (nước mắm) và sốt đậu tương, trên cùng là đậu muối, trứng tráng thái nhỏ, tôm, thịt gà, hành tây. Một đĩa Mee siam có vị chua ngọt và cay khó quên, không thể lẫn với bất cứ món mì nào khác.
Char Kuey Teow (mì)
Char kuey teow là một trong những món mì có hương vị phong phú nhất nhì ở Malaysia. Char kuey teow có sợi mì dẹt, ăn cùng nước sốt đậu nành, hành lá, giá đỗ, tôm, sò và xúc xích Trung Quốc. Char kuey teow thường được nấu chín trong từng bát riêng.
Nasi Lemak (cơm dừa truyền thống)
Cơm dừa là món ăn truyền thống của Malaysia, gồm có cơm trắng nấu nước cốt dừa, món ăn này thường được phục vụ trên lá chuối (hoặc bát đĩa có hình lá chuối), tuy nhiên ngày nay nhiều nhà hàng cũng sử dụng những chiếc đĩa sứ trắng thông thường để đựng món ăn. Nasi Lemak thường được ăn cùng cá cơm chiên, lạc rang, dưa chuột và trứng luộc thái lát. Ngoài ra có thể ăn cùng mực, thịt gà, sò, thịt bò rendang và rau muối.
Mì wonton
Wonton thường là món mì sợi mỏng ăn cùng cải xoăn Trung Quốc, thịt xá xíu và hoành thánh nhồi nhân thịt lợn, tôm băm nhỏ. Trước kia wonton còn có tên gọi là tok tok mee, để thể hiện âm thanh que tre va vào nhau mà những người bán mì gõ để mời thực khách. Bên cạnh đó, wonton còn có phiên bản mì khô trộn cùng nước sốt tương đen và hẹ.
Ipoh hor fun (mì dẹt kiểu Perak)
Cũng là món mì nhưng Ipoh hor fun có điểm đặc biệt là được nấu bằng nước suối và chỉ có ở thành phố Ipoh, bang Perak bao quanh bởi núi đá vôi. Nước suối được dùng để nấu mì Ipoh hor fun mang hương vị khác biệt không nơi nào có. Món này có nguồn gốc từ cộng đồng người Hoa ở Perak. Nước dùng chế biến từ gà và tôm, trong mì có hẹ Trung Quốc, thịt gà xé và thịt tôm.
Penang assam laska (mì Laske me kiểu Penang)
Laska là món ăn phổ biến ở Malaysia và Singapore với những sợi mì dày, cá mackerel xé nhỏ, các loại thảo mộc hấp dẫn với xả, gừng và lá bạc hà, thêm chút me trong nước dùng tạo nên bát assam laska với hương vị độc đáo. Một bát assam laska chính hiệu còn không thể thiếu hae ko (mắm tôm).
Nasi kandar (cơm cà-ri)
Nasi kandar (cơm cà-ri) có nguồn gốc từ cộng đồng người Ấn ở Malaysia. “Nasi” tiếng Malay là gạo trắng. “Kandar” là cái ách bằng gỗ hoặc tre thường xuất hiện trong các quầy hàng vỉa hè ở Ấn Độ thời xưa, giúp giữ thăng bằng cho xe thức ăn. Một đĩa nasi kandar thường được ăn kèm lá lách bò, thịt bò, mực chiên, gà chiên, đậu bắp, gà rán, mướp đắng và cà tím. Đồ ăn kèm có thể để luôn trên cơm hoặc phục vụ trong bát nhỏ riêng.
Hokkien mee (mì đen)
Hokkien mee là món mì trứng độc đáo ăn cùng nước xốt tương đen, thịt heo, mực, gan lợn, tôm, mỡ lợn và choi sum (bẹ cải). Một đĩa Hokkien mee có hương vị thơm ngon rất đặc trưng.
Tổng hợp từ Internet